phat-trien-nang-luong-tai-tao-tu-chinh-sach-den-thuc-tien
Phát triển năng lượng tái tạo: Từ chính sách đến thực tiễn
03/10/2018 22:12:00 Đăng bởi HOÀNG THANH HUYỀN (1) bình luận

Trong chuỗi sự kiện “Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào trung tuần tháng 1-2018, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã được đưa ra thảo luận.

Dưới đây là những góc nhìn về các vấn đề liên quan tới năng lượng tái tạo trong tổng thể hệ thống điện quốc gia và một số giải pháp nhằm hướng tới sự phát triển năng lượng tái tạo bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Chính phủ

PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết về những chủ chương, chính sách của Chính phủ để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Nhiều năm trước, chủ chương khuyến khích và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đã được đưa ra. Sau Quyết định số 2068/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đã có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ rác thải…

Những năm gần đây, Chính phủ ban hành những cơ chế chính sách nhằm huy động nhiều hơn nữa các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng quốc gia. Đây là chủ chương nhất quán và xuyên suốt của Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không kể đến các dự án các nhà máy thủy điện lớn thì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng của chúng ta hiện nay còn chưa nhiều. Việt Nam đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tỷ trọng năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện trong hệ thống, chỉ tính các nhà máy điện gió, điện mặt trời) sẽ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng năng lượng trên cả nước. Có thể thấy, tại thời điểm hiện tại, việc phát triển năng lượng tái tạo chưa đạt được kết quả như mong muốn.

PV: Vậy theo Thứ trưởng, quá trình phát triển năng lượng tái tạo đang gặp phải những trở ngại gì? Chúng ta đã có những giải pháp nào để khắc phục?

Chúng ta đã nhận được đề xuất đầu tư chủ yếu ở 4 tỉnh: Tây Ninh, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận với công suất của các nhà máy điện mặt trời trên 15.000MW, chưa kể các đề xuất đang trình Thủ tướng khoảng trên 4.000MW nữa.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Những trở ngại cơ bản có thể kể đến như chi phí khá cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện năng.

Về mặt công nghệ, hệ thống điện của chúng ta chưa đủ lớn mạnh để ngay lập tức có được nguồn năng lượng tái tạo lớn đưa vào hệ thống. Những nguồn năng lượng như gió và mặt trời không ổn định. Khi không có những nguồn năng lượng đó, chúng ta phải có nguồn năng lượng nào đó, ngay lập tức, có thể bù đắp sự thiếu hụt. Vì thế đòi hỏi hệ thống năng lượng của chúng ta phải đủ mạnh.

Tiếp đó là sự phân bố không đồng đều của các nguồn năng lượng tái tạo. Các dự án thủy điện tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, trong khi miền Trung, miền Nam ít. Còn tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời lại có nhiều ở khu vực miền Nam. Thực tế đó gây khó khăn khi xây dựng đồng bộ hệ thống điện quốc gia.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Đặc biệt, riêng đối với điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg vào tháng 4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Với sự hấp dẫn của cơ chế mới, chúng ta đã nhận được đề xuất đầu tư chủ yếu ở 4 tỉnh: Tây Ninh, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận với công suất của các nhà máy điện mặt trời lên đến trên 15.000MW, chưa kể các đề xuất đang trình Thủ tướng Chính phủ khoảng trên 4.000MW nữa. Ngay tại thời điểm hiện tại, nếu được phê duyệt, chúng ta cũng sẽ có khoảng 8.000MW điện mặt trời được đầu tư đến năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là liệu 8.000MW đó được đầu tư vào 4 tỉnh trên, hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta có đủ năng lực để hấp thụ ngay hay không?

Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Ngân hàng phát triển Châu Á đã có sự hỗ trợ lớn trong phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Đặc biệt gần đây, các chính sách của 2 ngân hàng này rất phù hợp với chính sách của Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ xây dựng cơ chế chính sách, triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hệ thống quản lý của nước ta.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương Phương Hoàng Kim: Năng lượng tái tạo hấp dẫn các nhà đầu tư

PV: Xin ông cho biết, hiện nay các chủ chương, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ đang được triển khai như thế nào?

Cục trưởng Phương Hoàng Kim: Chính phủ đã có những chính sách phát triển năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Mục tiêu được đặt ra là đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, tổng công suất khoảng 850MW, năm 2025 khoảng 4.000MW. Đối với năng lượng gió, đến năm 2020 có khoảng 800MW, năm 2025 là 2.000MW.

Chính phủ đã ban hành cơ chế mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo. Đối với năng lượng gió, cơ chế được ban hành từ năm 2011 với giá 7,8cent/kWh; đối với điện mặt trời theo cơ chế mới ban hành tháng 4-2017 giá 9,35cent/kWh. Chính sách mua điện năng lượng mặt trời có hiệu lực với các dự án vận hành thương mại trước tháng 6-2019. Thêm vào đó là các chính sách về năng lượng sinh khối, nguồn năng lượng từ bã mía giá 5,8 cent/kWh.

Thông qua những chính sách này, thời gian qua, chúng ta đã có tổng số 5 dự án điện gió với công suất 190MW đã được phát trên lưới. Hiện tại có thêm 4.900MW điện gió được đưa vào diện quy hoạch. Gần đây, Chính phủ đã xem xét điều chỉnh cơ chế điện gió, dự kiến sẽ được ban hành sớm. Đối với điện mặt trời, đã có 170 dự án sản xuất với tổng công suất lên tới 12.000MW và 44 dự án được duyệt đưa vào quy hoạch.

Hiện tại, Việt Nam đang phát triển năng lượng tái tạo khá mạnh mẽ và là nước phát triển năng lượng tái tạo mạnh nhất ASEAN. Có được điều này là nhờ Chính phủ có những cơ chế chính sách rõ ràng và phù hợp.

Hiện tại, Việt Nam đang phát triển năng lượng tái tạo khá mạnh mẽ và là nước phát triển năng lượng tái tạo mạnh nhất ASEAN. Có được điều này là nhờ Chính phủ có những cơ chế, chính sách rõ ràng và phù hợp.

Trước đây, giá điện bán lẻ của Việt Nam là 7,3cent/kWh, hiện tại vừa tăng khoảng 6%, theo trượt giá tính ra khoảng 7,6cent/kWh. Chính phủ vẫn đang phải bù lỗ khi mua điện mặt trời, tức là chênh lệch khoảng hơn 1cent/kWh. Ngoài ra chi phí truyền tải cũng lớn, chi phí đầu tư mạng lưới phân phối cũng góp phần làm chi phí tăng lên.

Chính vì thế, rất cần những chính sách để phát triển năng lượng một cách vừa bền vững vừa thân thiện môi trường.

Ngay tại thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư trong nước đều nhìn thấy sức hấp dẫn từ đầu tư năng lượng tái tạo và đang mong muốn đầu tư. Có thể trong thương lai, sau năm 2019, chúng ta có cơ chế khác, giá điện mặt trời thấp hơn, chúng ta sẽ thu hút được những nguồn tài chính rẻ hơn. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng đang có sự kết hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam để nghiên cứu về cơ chế đấu thầu điện mặt trời.

Nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

Khi đó các công ty có cam kết về mua năng lượng xanh sẽ mua điện trực tiếp từ các nhà đầu tư, Chính phủ sẽ không phải bù lỗ giá điện nữa. Ngoài ra còn có cơ chế đấu thầu, hiện tại giá đấu thầu trên thế giới cỡ khoảng 2,6cen/kWh. Tuy nhiên, điều kiện ở các nước đó khác chúng ta, họ có nắng tốt, gió nhiều, đất đai, chi phí, cơ sở hạ tầng thuận lợi… nên khó có thể so sánh chính xác được.

PV: Xin cảm ơn!

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải: Năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu

Có thể thấy, xu thế phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu. EVN chịu trách nhiệm bảo đảm cung cấp nguồn điện ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia, đã nghiên cứu và nhận diện một số thách thức khi tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia ngày càng tăng.

Thứ nhất, nguồn năng lượng tái tạo phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên và không ổn định. Trong lúc không có các nguồn năng lượng đó chúng ta phải có nguồn thay thế. Ở một số nước, nguồn điều chỉnh năng lượng được sử dụng là pin tích trữ năng lượng và nó đồng nghĩa với việc phát sinh thêm chi phí hệ thống.

Thứ hai, hiện nay chưa có lưới điện đối với năng lượng tái tạo. Khi phát triển một nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió, chúng ta đưa vào rất nhanh, có khi chỉ 1 năm là có thể đưa vào vận hành. Nhưng để chuẩn bị lưới điện cho truyền tải, từ khâu quy hoạch đền bù giải phóng mặt bằng cho đến đầu tư xây dựng, thời gian rất dài. Trong quy hoạch, mặc dù đã có sự đồng bộ giữa việc phát triển năng lượng tái tạo cũng như phát triển điện lưới nhưng đây là vấn đề cần được quan tâm lớn. Bởi vì không như các nhà máy truyền thống, chúng ta có thời gian để xây dựng nhiều năm, lưới đi theo đường bộ. Thêm nữa, thiết kế cơ sở hạ tầng cho năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo rất khác nhau.

Thứ ba, đến năm 2019 sẽ chuyển sang thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh. Chính sách đưa năng lượng tái tạo vào thị trường điện như thế nào hiện nay chưa có. Chúng ta đang có chính sách: tất cả các nguồn điện sẽ được EVN mua theo đúng giá trực tiếp và số lượng điện đó sẽ được ưu tiên chạy đầu tiên, sau đó mới đến phần của thị trường điện. Chính vì thế, EVN đang nghiên cứu để tham mưu cho Bộ Công Thương về sự tham gia của năng lượng tái tạo trong thị trường điện.

Cuối cùng, đó là chi phí về hệ thống. Hiện nay, giá bán lẻ điện đang thấp hơn giá mua điện tại các nhà máy năng lượng tái tạo. Đây là một áp lực tài chính lớn của EVN. Sau giai đoạn đầu khuyến khích phát triển, công nghệ về năng lượng tái tạo sẽ ngày càng tiến bộ, chi phí sẽ giảm hơn, tôi hy vọng các chi phí cho năng lượng tái tạo sẽ giảm để bảo đảm cân đối cung cầu.

Song Nguyễn – Mỹ Hạnh Nguồn petrotimes.vn

Bình luận (1)
binh-luan

a

19/03/2018

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: TỪ CHÍNH SÁCH ĐẾN THỰC TIỄN
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN