evn-to-chuc-hoi-nghi-tu-dong-hoa-nganh-dien-trong-xu-the-chuyen-doi-so
EVN tổ chức hội nghị tự động hóa ngành Điện trong xu thế chuyển đổi số
04/16/2022 11:00:00 Đăng bởi HOÀNG THANH HUYỀN (0) bình luận

EVN tổ chức hội nghị tự động hóa ngành Điện trong xu thế chuyển đổi số

Ngày 12/4/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số.

 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Năng lượng (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại TPHCM, Hội tự động hóa Việt Nam, đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam. Về phía lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đồng chí Dương Quang Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ngoài ra còn có các đồng chí Thành viên HĐTV, các đồng chí Phó Tổng Giám đốc; lãnh đạo các ban chuyên môn và lãnh đạo Tổng Công ty, các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Tham dự Hội nghị còn có nhiều đối tác đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.

Hội nghị là cơ hội để Tập đoàn và các đơn vị thành viên báo cáo kết quả đã thực hiện, đồng thời trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các đối tác để tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng về tự động hóa và chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao. Tự động hóa quy trình sản xuất sẽ thúc đẩy và mang lại hiệu quả trong tác điều hành, vận hành hệ thống điện liên tục, an toàn, ổn định để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.

Với chủ đề công tác năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, việc ứng dụng công nghệ và tự động hoá vận hành hệ thống điện cần đảm bảo đạt được các mục tiêu: Tự động hoá trước hết để đảm bảo an toàn, an toàn cho con người và cho thiết bị; Tự động hoá làm cho vận hành thiết bị và hệ thống điện linh hoạt hơn; và Tự động hoá sẽ mang lại hiệu quả, hiệu quả từ tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong quản trị chuyên nghiệp. Mức độ Tự động hoá được tiến hành cao dần theo thời gian. Trước đây, việc Tự động hoá chỉ tập trung ở một số khâu trong dây chuyền sản xuất, tiếp sau đó đến sử dụng robot, cảm biến, camera chụp ảnh tự động và đến thời đại cuộc CMCN 4.0 thì Tự động hoá gắn với chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.

Với tinh thần phát huy nội lực cũng như huy động nguồn lực nội tại của Việt Nam, EVN và các đơn vị thành viên đã có nhiều sáng kiến, áp dụng hiệu quả về những ứng dụng của Tự động hóa và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và quản trị doanh nghiệp. Năm 2019, EVN đã ban hành “Một số định hướng cơ bản công tác Tự động hóa trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, năm 2021 xây dựng và ban hành “Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Trên cơ sở đó, EVN đã chủ động trong việc nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp tự động hóa các hệ thống điều khiển, làm chủ công nghệ trong công tác Tự động hóa và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực tự động hóa:

- Tổ chức nghiên cứu và chủ động được trong công tác Tự động hóa khi thực hiện các dự án đường dây, trạm biến áp và xây dựng các trung tâm điều khiển. Chủ động thực hiện các công việc kỹ thuật chuyên sâu SCADA từ cấu hình cơ sở dữ liệu, kết nối, thử nghiệm, nghiệm thu, vẽ sơ đồ lưới điện, thiết lập các thông số, mức giới hạn vận hành, phân cấp điều khiển và xử lý sự cố hệ thống.

- Làm chủ và khai thác hệ thống SCADA/EMS. Hệ thống SCADA/EMS hiện tại của EVN là thế hệ thứ 4. Hệ thống SCADA/EMS đã thực hiện đầy đủ các chức năng thu thập, giám sát và điều khiển hệ thống điện và tích hợp hệ thống quản lý năng lượng (EMS) phục vụ vận hành Hệ thống điện.

- Chuẩn hóa mô hình tổ chức các Trung tâm điều khiển. Các Trung tâm điều khiển và trạm biến áp (TBA) không người trực đã đi vào hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả vận hành và năng suất cao cho các đơn vị, mỗi tỉnh có 01 trung tâm điều khiển để kết nối các TBA không người trực với số lượng tổng cộng 804 TBA không người trực trên toàn quốc.
- Chuẩn hóa hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa. EVN tự nghiên cứu và phát triển Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES) dùng chung trong EVN để đọc dữ liệu công tơ từ xa. Có thể nói phần mềm EVNHES là một hệ thống duy nhất tại Việt Nam có thể kết nối được với tất cả các chủng loại thiết bị trên hệ thống lưới điện của EVN. Hiện nay, với hệ thống phần mềm EVNHES, các đơn vị chỉ cần áp dụng một hệ thống cho toàn bộ các công nghệ và chủng loại đồng hồ đo đếm trên lưới điện. Hệ thống phần mềm tạo ra công cụ quản lý áp dụng thống nhất trong toàn EVN nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Phần mềm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao khi giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, tiết kiệm chi phí, thời gian khi sử dụng, là cơ sở để thống nhất giao thức thiết bị trên toàn EVN. Việc tự động hóa thu thập dữ liệu sẽ giải phóng được nguồn lao động thủ công nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành điện, hỗ trợ ngành điện trong việc chăm sóc khách hàng.

Năm 2021, Tập đoàn đã phát động chương trình phát triển các sản phẩm tự động hóa với tên gọi “Make by EVN”, trong đó các sản phẩm tự động hóa “Make by EVN” phải do các đơn vị trong Tập đoàn tự nghiên cứu và phát triển. Trong lộ trình thực hiện Chuyển đổi số, Tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, EVN có 10 sản phẩm “Make by EVN” và 03 “Make in Việt Nam”. Năm 2022, EVN đã công nhận 06 sản phẩm tự động hóa “Make By EVN” như sau:

TT

Sản phẩm

Đơn vị

Ghi chú

1

  Công tơ điện tử CPC EMEC

EVNCPC

Đăng ký công nhận sản phẩm “Make in Việt Nam”

2

 Phần mềm thu thập dữ liệu công tơ đo đếm (EVNHES)

EVNICT

3

  Trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện (EVN ev charger)

EVNCPC

4

 Chương trình Quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến (OMS)

EVNHCMC

 

5

 Thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI) và Hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện (FDS)

EVNCPC

 

6

  Số hóa công tác điều độ lưới điện

EVNHANOI

 

Với truyền thống hơn 67 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và các Bộ, Ngành, cùng với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng của hàng vạn cán bộ công nhân viên và người lao động, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã và đang nỗ lực liên tục để phấn đấu trở thành tập đoàn năng lượng – công nghệ với mức độ tự động hoá cao, góp phần hiện thực hoá mục tiêu Việt Nam là đất nước đổi mới và sáng tạo.

Nguồn: https://www.evn.com.vn/

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN