Bản tin năng lượng số 1/2022

Bản tin năng lượng số 1/2022

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện mặt trời, điện gió (chuyển tiếp một số đối tượng áp dụng cơ chế tại Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ).

Xây dựng cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện mặt trời, điện gió

Theo Bộ Công Thương, đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian theo quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ TTg ngày 10/9/2018 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Phương pháp xây dựng khung giá phục vụ cho việc đấu thầu được xây dựng tương tự phương pháp quy định tại Thông tư 57/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự và ban hành khung giá phát điện, có điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng áp dụng là các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió.

Khung giá được Bộ Công Thương ban hành áp dụng cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp chào công suất (MW) sẽ được sử dụng làm khung giá đấu thầu cho các dự án.

Về nguyên tắc chính trong tổ chức đấu thầu với nội dung đấu thầu mua điện từ các dự án điện mặt trời, gió chuyển tiếp dựa trên công suất lắp đặt (MW) của các nhà máy điện. Giá thầu của dự án phải nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Bộ Công Thương đề xuất cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Theo Bộ Công Thương, cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời (FIT) là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, ở đây là lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.

Bộ Công Thương nhận định: Trong bối cảnh giá năng lượng tái tạo trên thế giới có xu hướng giảm và tại thời điểm hiện nay, khi quy mô phát triển năng lượng tái tạo đã mở rộng, thị trường thiết bị, công nghệ năng lượng tái tạo đã trở nên cạnh tranh hơn, việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển cạnh tranh, tiệm cận thị trường là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và xu hướng phát triển trên thế giới.

Vì vậy, việc giữ nguyên các cơ chế ưu đãi tại các quyết định này sẽ có những hạn chế. Như việc thời hạn hợp đồng mua bán điện kéo dài 20 năm là không phù hợp do hiện nay chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời có xu hướng giảm hơn so với thời điểm ban hành cơ chế FIT với hiệu suất công nghệ cải thiện, quy mô và kinh nghiệm phát triển mở rộng.

Về trường hợp giữ nguyên giá điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD cũng không phù hợp. Cụ thể tại điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 được sửa đổi bởi khoản 13 điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định “mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Ngoài ra, các nội dung chi tiết về quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thông tư số 16/2015/TT-NHNN ngày 19/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với việc huy động toàn bộ sản lượng của các dự án chuyển tiếp, theo Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, điện gió và điện mặt trời ở nước ta đã chiếm trên 26% tổng công suất lắp đặt do đó việc bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện dẫn đến việc không bình đẳng đối với nhiều nhà máy điện khác trong hệ thống điện, ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện.

Khánh thành 2 dự án nhà máy điện gió tại Sóc Trăng

Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa phối hợp với Công ty CP năng lượng tái tạo Vĩnh Châu và Công ty TNHH điện gió Quốc Vinh tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà máy điện gió số 5 và Nhà máy điện gió số 6.

Nhà máy điện gió số 5 do Công ty CP năng lượng tái tạo Vĩnh Châu làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng ngày 31/12/2019. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 30 MW, gồm 1 trạm biến áp 22/110kV, đường dây 110kV dài 8,9 km, trên diện tích 11,5 ha. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.450 tỉ đồng. Nhà máy đưa vào vận hành sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 93 triệu kWh/năm, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Cắt băng khánh thành Nhà máy điện gió số 5 tại Sóc Trăng

Nhà máy điện gió số 6 do Công ty TNHH điện gió Quốc Vinh làm chủ đầu tư với tổng công suất 129 MW, được chia làm 2 giai đoạn. Dự án được xây dựng tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 30 MW, tổng mức đầu tư 1.420 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 7,5 ha. Dự án hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như sự phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu tại lễ khánh thành 2 Nhà máy điện gió số 5 và số 6, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu cùng các sở, ban, ngành và sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân thị xã Vĩnh Châu đã đóng góp vào quá trình triển khai thi công và xây dựng hoàn thành các nhà máy điện gió. Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư tổ chức quản lý, khai thác và vận hành các nhà máy điện gió hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả.

Phát triển các dự án năng lượng sạch hướng tới mục tiêu trung hòa các bon

Ngày 7/4, Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Hướng tới trung hòa các bon: Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) chủ trì tổ chức.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn khẳng định, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nước ta cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác.

Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi, phân tích các vấn đề bất cập, thách thức, cơ hội cho việc phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Thông qua diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan có liên quan tổng hợp, ghi nhận những kiến nghị, tham vấn của doanh nghiệp, nhà đầu tư về năng lượng sạch để ban hành các quy định và cơ chế phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường phát triển các dạng năng lượng xanh và sạch.

Để thực hiện mục tiêu trung hòa các bon, nước ta cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo

Theo Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực Hoàng Trọng Hiếu, chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên cả nước đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của các dự án điện gió và điện mặt trời đã dẫn đến mất cân đối nguồn tải theo miền do các nguồn điện gió và điện mặt trời phát triển chủ yếu tại miền Trung và miền Nam. Cùng với đó, việc triển khai các dự án năng lượng sạch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính….

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến năm hết năm 2021, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 441.000 tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 32,5% so với năm 2020. Đặc biệt, dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng hơn 212.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 47% dư nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống. 

Theo bà, các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo vì phải tính đến yếu tố hiệu quả của dự án thông qua các vấn đề: giá điện, thời gian thu hồi vốn, yếu tố thời tiết, khả năng của hệ thống truyền tải, năng lực quản lý của chủ đầu tư… Để cải thiện được các vướng mắc trên, Việt Nam cần có chính sách đột phá như hình thành Quỹ năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh… từ đó thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: cơ chế lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí; chính sách tài trợ vốn ưu đãi cho ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, công nghệ cao; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thu hút đầu tư vào năng lượng sạch; những thách thức mới trong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam...

Nguồn: nangluongsachvietnam.vn

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Hotline: 0904767907